Bệnh trypanosoma

Bệnh trypanosoma hay bệnh ngủ[1] là bệnh do ký sinh trùng gây ra ở người và các động vật khác. Bệnh do ký sinh trùng loài Trypanosoma brucei gây ra.[2] Hai loại gây bệnh ở người là Trypanosoma brucei gambiense (T.b.g) và Trypanosoma brucei rhodesiense (T.b.r.).[1] T.b.g gây ra 98% các ca được ghi nhận.[1] Cả hai đều lây truyền qua ruồi tsetse và phổ biến nhất ở vùng nông thôn.[1] Khởi đầu, trong giai đoạn 1 của bệnh có sốt, nhức đầu, ngứa, và đau khớp.[1] Giai đoạn này bắt đầu sau khi bị ruồi cắn 1- 3 tuần.[3] Sau nhiều tuần đến nhiều tháng, bệnh chuyển sang giai đoạn 2 với các triệu chứng lẫn, phối hợp động tác kém, tê và rối loạn giấc ngủ.[1][3] Chẩn đoán bệnh dựa trên xét nghiệm phết máu hoặc dịch của hạch lympho để tìm ký sinh trùng.[3] Chọc ống sống thắt lưng thường cần để xác định bệnh đang ở giai đoạn 1 hay giai đoạn 2.[3]Phòng ngừa bệnh nguy hiểm này bằng cách xét nghiệm máu để tìm T.b.g ở những người có nguy cơ mắc bệnh.[1] Việc điều trị dễ dàng hơn khi bệnh được phát hiện sớm và trước khi có triệu chứng thần kinh.[1] Ở giai đoạn 1 của bệnh, điều trị bằng thuốc pentamidine hoặc suramin.[1] Ở giai đoạn 2, điều trị bằng thuốc  eflornithine hoặc kết hợp nifurtimox và eflornithine để diệt T.b.g.[3] Trong khi melarsoprol đều hiệu quả ở cả hai giai đoạn, melarsoprol thường chỉ được dùng để diệt T.b.r. do thuốc có tác dụng phụ nguy hiểm.[1]Bệnh thường xảy ra ở một số vùng châu Phi cận Sahara, nơi có số người có nguy cơ mắc bệnh khoảng 70 triệu ở 36 nước.[4] Tính đến năm 2010, bệnh gây khoảng 9,000 ca tử vong, giảm từ con số 34,000 ca tử vong vào năm 1990.[5] Ước tính có 30,000 người hiện đang mắc bệnh và 7000 ca nhiễm mới vào năm 2012.[1] Hơn 80% trong số các ca này xảy ra ở nước Cộng hòa Dân chủ Công gô.[1] Có ba dịch lớn từng xảy ra trong lịch sử gần đây: một dịch xảy ra từ năm 1896 đến 1906, chủ yếu ở  Uganda và Lưu vực Công gô và 2 dịch vào năm 1920 và năm 1970 ở một số nước châu Phi.[1] Các động vật khác, chẳng hạn như bò, có thể mang truyền bệnh và bị mắc bệnh.[1]